Hội chứng Dressler được gọi chung là viêm màng ngoài tim muộn sau nhồi máu cơ tim. Đây là hội chứng có biến chứng rất đa dạng và phức tạp thậm chí đe dọa tử vong ở con người
Hội chứng Dressler
Chúng ta hãy cùng các bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu hội chứng Dressler qua bài viết dưới đây!
NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI HỘI CHỨNG DRESSLER
Cơ chế bệnh sinh của hội chứng Dressler cho đến nay vẫn chưa được giải thích rõ ràng, nhưng có nhiều bằng chứng liên quan đến cơ chế tự miễn dịch của cơ thể. Dressler đã đưa ra thuật ngữ “Viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim” do sự tăng nhạy cảm quá mức của cơ thể.
Tùy thuộc từng cá thể mà sự tăng nhạy cảm làm phóng thích các kháng nguyên được sản xuất từ các tế bào cơ tim hoại tử, từ đó khởi phát các phản ứng của hệ thống miễn dịch. Như vậy, đây có thể xem là một hội chứng bệnh lý do cơ chế tự miễn gây ra.
Chính vì vậy, đặc điểm lâm sàng của hội chứng là bệnh cảnh tự miễn với sốt, tăng nồng độ các chất đánh dấu chỉ điểm viêm trong máu (ví dụ CRP) và tăng bạch cầu, hầu hết đều đáp ứng với thuốc kháng viêm, corticoid, colchicin và có khuynh hướng dễ tái phát. Tuy nhiên, hội chứng Dressler nói riêng và hội chứng sau tổn thương tim nói chung không chỉ xảy ra ở bệnh nhân tự miễn mà còn xuất hiện ở những trẻ em bị suy giảm miễn dịch sau ghép tim.
Viêm màng ngoài tim muộn sau nhồi máu cơ tim hay hội chứng Dressler là tình trạng của cơ thể đáp ứng tự miễn sau khi mô cơ tim bị phá hủy do nhồi máu cơ tim, sau ngưng tim, phẫu thuật hay chấn thương tim. Cả hội chứng Dressler cũng như hội chứng sau tổn thương tim đều đáp ứng tốt với thuốc kháng viêm, vì vậy giúp củng cố giả thuyết về cơ chế bệnh sinh qua trung gian tự miễn.
TRIỆU CHỨNG VÀ BIẾN CHỨNG CỦA HỘI CHỨNG DRESSLER
Triệu chứng
Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết, phần lớn bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim không có triệu chứng. Một số triệu chứng được mô tả nhiều gồm có:
- Đau ngực: Cảm giác đau nhiều, tức nặng, kéo dài hàng giờ, đau tăng khi nằm ngửa, giảm khi ngồi hoặc cúi ra trước, đau ngực kiểu màng phổi (tăng lên khi hít sâu, sau ho và nuốt). Cơn đau xuất phát từ chóp cơ thang hoặc xuất phát từ cổ, tay và lưng nhưng không thường xuyên.
- Tiếng cọ màng tim: Là điểm đặc biệt để chẩn đoán viêm màng ngoài tim tuy nhiên triệu chứng này sớm mất đi và không phải mọi bệnh nhân viêm màng ngoài tim đều có tiếng cọ màng ngoài tim. Lượng dịch màng ngoài tim cũng ảnh hưởng đến tiếng cọ màng ngoài tim.
- Bệnh nhân có thể có kèm theo sốt, khó thở, mệt mỏi, chán ăn, trầm cảm.
Các xét nghiệm cận lâm sàng phát hiện tình trạng viêm hệ thống:
- Nồng độ CRP (74%), tốc độ lắng máu tăng.
- Tăng bạch cầu trong máu.
- Điện tâm đồ: cung cấp những bằng chứng điển hình của viêm màng ngoài tim với khoảng ST chênh lên lan tỏa và khoảng PR chênh xuống ở nhiều chuyển đạo (trên 20%).
- X-quang ngực thẳng: Có thể thấy có tràn dịch màng phổi mới hay nặng lên, có kèm thâm nhiễm phổi hay không.
- Siêu âm tim: Giúp đánh giá kích thước buồng tim, chức năng co bóp cơ tim, cấu trúc van tim và tràn dịch màng ngoài tim.
Biến chứng
- Phản ứng của hệ thống miễn dịch dẫn đến hội chứng Dressler cũng có thể gây tràn dịch màng phổi.
- Chèn ép tim: Hệ quả của viêm màng ngoài tim gây tràn dịch màng ngoài tim
- Viêm màng ngoài tim co thắt: Tình trạng viêm tái phát hoặc mãn tính có thể khiến màng ngoài tim dày lên hoặc sẹo dẫn đến màng ngoài tim dần co lại, bó chặt lấy tim làm giảm khả năng bơm máu hiệu quả của tim.
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh đào tạo Cao đẳng Kỹ thuật hình ảnh Y học Sài Gòn
BIỆN PHÁP CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG DRESSLER
Chẩn đoán
Theo ktv Cao đẳng Kỹ thuật hình ảnh Y học Sài Gòn, chẩn đoán bệnh dựa trên kết hợp thăm khám lâm sàng và chỉ định xét nghiệm phù hợp.
- Điện tâm đồ: Phát hiện ECG bất thường (ST chênh lõm hoặc hình vòm, sóng T đảo).
- Siêu âm tim: Có thể gặp khoảng trống siêu âm do tràn dịch màng ngoài tim.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) cho kết quả tương tự.
- Xét nghiệm Troponin có thể tăng.
Điều trị
Sử dụng Aspirin là lựa chọn tối ưu trong viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim với liều 650 mg mỗi 6 giờ trong ít nhất 4 tuần kèm theo thuốc ức chế bơm proton hoặc kháng acid.
NSAID nên tránh cho bệnh nhân bệnh mạch vành do làm tăng nguy cơ gây biến cố tim mạch do thuốc.
Thuốc kháng viêm NSAID (Ibuprofen hoặc Naproxen/Naprosyn), Acetaminophen (Tylenol) giúp giảm viêm hoặc giảm đau.
Colchicin có thể điều trị từ ban đầu nhưng thích hợp hơn trong trường hợp viêm màng ngoài tim mạn tính hay tái phát nếu sử dụng Aspirin không hiệu quả.
Nếu lượng dịch lỏng quanh tim nhiều làm suy yếu chức năng tim, cần loại bỏ bằng cách chọc hút, trường hợp nặng có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ một phần của màng ngoài tim.