Thuốc giãn mạch là những thuốc có tác dụng làm giãn các tế bào cơ trơn của thành mạch. Vậy bạn đã bao giờ thắc mắc có bao nhiêu loại thuốc giãn mạch cũng như cách sử dụng thuốc như thế nào an toàn và hiệu quả?
Nhóm thuốc có tác dụng giãn mạch
Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để được các dược sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ cụ thể đến bạn một số nhóm thuốc có tác dụng giãn mạch!
THUỐC GIÃN MẠCH LÀ GÌ?
Theo dược sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn, thuốc giãn mạch là những thuốc có tác dụng làm giãn các tế bào cơ trơn của thành mạch, khiến các mạch máu nở to, rộng ra dẫn đến tăng tốc độ lưu thông máu và giảm áp lực lên thành mạch gây hạ huyết áp.
Cơ chế chung của các thuốc giãn mạch là làm giảm nồng độ ion Ca2+ trong máu và trong các tế bào cơ trơn của thành mạch, gây ra sự giãn nở các mạch máu.
CÓ BAO NHIÊU LOẠI THUỐC GIÃN MẠCH?
Tùy theo vị trí tác động mà thuốc giãn mạch được chia làm ba nhóm:
- Thuốc giãn mạch tác động trên động mạch.
- Thuốc tác động trên tĩnh mạch.
- Thuốc tác động hỗn hợp vừa trên động mạch vừa trên tĩnh mạch.
Một số thuốc giãn mạch thông dụng:
- Nhóm thuốc nitrosyl gồm có nitrit hữu cơ (nitroglycerin, amylnitrit) và nitrat hữu cơ (glyceryl trinitrat, isosorbid mononitrat, isosorbid dinitrat…)
- Nhóm thuốc đối kháng canxi: Amlodipin, verapamil, ditilazem…
- Nhóm thuốc ức chế men chuyển: Captopril, lisnopril, enalapril…
- Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II: Losartan, valsartan…
- Nhóm thuốc chẹn alpha: Alfuzosin, doxazosin, prazosin…
- Nhóm thuốc ức chế enzym phosphodiesterase-5 (PDE-5): Sildenafil, tadalafil,…
THUỐC GIÃN MẠCH CÓ TÁC DỤNG ĐIỀU TRỊ NHỮNG BỆNH GÌ?
Các thuốc nhóm giãn mạch tùy theo cơ chế tác dụng của thuốc mà các thuốc được chỉ định để điều trị các bệnh khác nhau. Những chỉ định dưới đây chỉ mang tính tham khảo không được dùng thay thế chỉ định của bác sĩ. Khi điều trị bệnh, bạn có bất cứ thắc mắc gì về chỉ định, cách dùng, liều dùng thì có thể hỏi ý kiến bác sĩ hay dược sĩ đang theo dõi điều trị của bạn. Bạn không được tự ý quyết định dùng hay ngưng thuốc.
Cao huyết áp: Thuốc giãn mạch có tác dụng giãn mạch gây hạ áp nên được dùng trong điều trị cao huyết áp như: thuốc đối kháng canxi (nifedipin, felodipin, amlodipin…), thuốc ức chế men chuyển (captopril, lisnopril, enalapril…)…
Đau thắt ngực: Các thuốc giãn mạch nhóm nitrosyl (glyceryl trinitrat, isosorbit mononitrat, isosorbit dinitrat…) có tác dụng phóng thích NO làm giãn mạch dẫn đến tăng lưu luợng máu qua tim nên thường được chỉ định điều trị bệnh đau thắt ngực.
Suy tim: nhiều thuốc giãn mạch có tác dụng tăng lưu lượng máu cung cấp cho các cơ quan của cơ thể được chỉ định trong điều trị suy tim như: các thuốc ức chế men chuyển (captopril, lisnopril, enalapril…), các thuốc đối kháng angiotensin II (losartan, ibesartan…), các thuốc chẹn beta (metoprolol, bisoprolol…),…
Điều trị rối loạn cương dương: nhóm thuốc ức chế enzym PDE-5 (sildenafil, tadalafil, vardenafil…) lúc đầu được nghiên cứu để điều trị cao huyết áp nhưng trên lâm sàng thuốc có tác dụng làm giãn cơ trơn ở dương vật dẫn đến tăng lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục nam hơn nên thường được chỉ định trong điều trị rối loạn cương dương.
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đào tạo Dược sĩ chuyên nghiệp
MỘT SỐ LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC GIÃN MẠCH
Bác sĩ giảng viên lớp Văn bằng 2 Cao đẳng Dược thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo:
- Trước khi sử dụng thuốc nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng. Nếu có bất cứ thắc mắc gì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn rõ hơn.
- Trong quá trình sử dụng thuốc giãn mạch, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như đau ngực, chóng mặt, buồn nôn, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, phù…
- Lưu ý không được sử dụng thuốc giãn mạch cho bệnh nhân huyết áp thấp hay đang bị thiếu máu nghiêm trọng, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú…
- Thuốc giãn mạch ức chế enzym PDE-5 thường được chỉ định rối loạn cương dương hơn là thuốc hạ áp.
- Tuyệt đối bạn không được tự ý sử dụng đồng thời nhóm thuốc nitrat với nhóm thuốc ức chế enzym PDE-5 (sildenafil, tadalafil, vardenafil…) vì gây ra tác hại nguy hiểm trên tim.
- Các thuốc giãn mạch đa số là những thuốc kê đơn, do đó người bệnh không được tự ý sử dụng, khi có ý định sử dụng bất cứ thuốc nào trong các nhóm thuốc giãn mạch trên thì bạn nên đến gặp bác sĩ thăm khám để được kê đơn với liều lượng phù hợp cho từng người.
Trên đây là một số thông tin về các nhóm thuốc có tác dụng làm giãn mạch được các bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tổng hợp và chia sẻ đến bạn đọc. Tuy nhiên, những thông tin trên chỉ mang tính tham khảo không được dùng thay thế cho chỉ định của bác sĩ.