Bệnh khàn tiếng gây khó khăn khi nói chuyện nhất là đối với những người thường xuyên giao tiếp họp hành. Tuy nhiên bệnh này có thể điều trị dứt điểm nếu áp dụng một số bài thuốc YHCT dưới đây.
Những người thường xuyên giao tiếp nhiều rất dễ bị khan tiếng
Khàn tiếng, mất tiếng là do đâu?
Trong cuộc sống có những người thường xuyên phải nói nhiều, nói to, nói liên tục như: người dẫn chương trình, giáo viên, ca sĩ, diễn giả, người bán hàng,... dây thanh dễ bị kích ứng quá mức, dẫn đến viêm thanh quản. Ngoài ra, khi phải làm việc lâu trong môi trường ô nhiễm, hay bị nhiễm cúm, thời tiết thay đổi, hút thuốc, uống rượu... cũng dễ làm dây thanh âm bị tổn thương, gây viêm thanh quản.
Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Hữu Định – Giảng viên Trung cấp Y học cổ truyền cho biết, ngoài những phương pháp chữa khàn tiếng theo Y học hiện đại, người bệnh có thể chữa bệnh bằng những bài thuốc Y học cổ truyền cũng rất hiệu quả.
Y học cổ truyền cho rằng khàn tiếng phần lớn do ngoại tà cảm nhiễm, liên quan đến kinh Phế và thường phát sinh đột ngột, đó là do ngoại tà lấn Phế làm cho khí phế âm bị tổn thương mà sinh bệnh.
Các bài thuốc Y học cổ truyền chữa bệnh khàn tiếng hiệu quả.
Để điều trị khàn tiếng phải tùy theo thể bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc để mọi người tham khảo:
Bài 1: Khàn tiếng do phong nhiệt, người bệnh có cảm giác khát nước, họng sưng đau, ngũ tâm phiền nhiệt, tà uất ở phế, dùng: sinh kha tử 10g, liên kiều 10g, thuyền thoái 6g, xuyên khung 6g, cát cánh 10g, bạc hà 6g, cam thảo 6g, nam hoàng bá (núc nác) 12g, ngưu bàng tử 10g, mạch môn đông 10g, sắc uống.
Bài 2: Trường hợp khàn tiến do phế hư, dùng phương Thanh âm thang: nhân sâm 12g, bạch linh 12g, đương quy 12g, sinh địa 12g, thiên môn đông 10g, mạch môn đông 10g, kha tử 10g, ô mai 10g, a giao 10g, ngưu nhũ 16g, mật ong 10g, lê tươi 1 quả. Sắc uống.
Sử dụng các vị thuốc từ y học cổ truyền chữa khan tiếng hiệu quả
Bài 3: Nếu ho nhiều, khàn tiếng dùng: bách hợp 30g, khoản đông hoa 15g nghiền thành bột mịn rồi dùng mật luyện hoàn viên, chia 2-3 lần, uống sau bữa ăn trong 5 ngày. Hoặc dùng sinh kha tử 10g, cát cánh 10g, sinh thảo 6g sắc uống.
Bài 4: Trường hợp tiếng nói nhỏ, không phát âm thành tiếng, thanh đới co giãn kém, các y sĩ Y học cổ truyền Sài Gòn khuyên dùng bài Gia vị bổ trung ích khí thang: đương quy 16g, hoàng kỳ 16g, bạch truật 16g, đảng sâm 16g, sài hồ 10g, cam thảo trích 6g, kha tử 10g, thiên trúc hoàng 10g, trần bì 8g, thăng ma 10g, cát cánh 10g, xuyên bối mẫu 6g.
Bài 5: Nếu khí âm hư, huyết lạc bị ứ trệ, dùng: nhân sâm 12g, đan sâm 12g, sinh địa 12g, bạch cương tàm 12g, mạch môn 12g, hoàng kỳ 12g, xuyên khung 12g, cam thảo 6g, thuyền thoái 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài 6: Trường hợp khàn tiếng do đàm nhiệt uất kết, dùng: xạ can 6g, hạt bí đao 9g, mã đậu lình 6g, thuyền thoái 3g, qua lâu bì 9g, sa sâm 9g, tỳ bà diệp 9g, sinh ngưu bàng tử 9g, sinh cam thảo 3g, xuyên bối mẫu 3g.
Bài 7: Dùng bài Dưỡng kim thang để dưỡng phế gồm sinh địa 12g, tang bạch bì 12g, hạnh nhân 10g, a giao 10g, tri mẫu 10g, sa sâm 12g, mạch môn đông 12g, phong mật 10g.
Bài 8: Nếu khàn tiếng kéo dài, họng khô, đau rát, đờm dính, sốt nhẹ thường do âm hư nội nhiệt, dùng: sa sâm 12g, huyền sâm 10g, bạch quả 10g, câu kỷ tử 10g, núc nác 6g, mạch môn đông 10g, bạc hà 10g, đan bì 10g, sinh cam thảo 10g. Có thể dùng la hán 1/2 quả, đười ươi 3-4 quả, ngày 1 thang, sắc đặc ngậm rồi nuốt ngày 3-4 lần.
Bài 9. Trường hợp do phong hàn, nói không thành tiếng, họng đau, hơi thở thô, phát sốt, dùng: tiền hồ 8g, tô diệp 6g, trần bì 6g, cam thảo 4g, cát cánh 8g, thuyền thoái 6g, hạnh nhân 10g. Sắc uống.